Được ví như nhân sâm của người vùng cao, rau ngũ gia bì hương (người dân quen gọi là rau gai) mà đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Sa Pa, Bắc Hà vẫn trồng làm hàng rào đã và đang được nhiều người biết đến bởi hương vị của một loại rau thuốc, có tác dụng tốt cho sức khỏe.
Mới đây, có dịp công tác ở vùng cao Sa Pa, tôi được thưởng thức bữa cơm dân dã của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, trong đó có món rau gai được người dân hái từ bờ rào về xào với thịt sấy treo gác bếp. Trong cái lạnh se se cuối thu, đầu đông, mùi thơm của thịt sấy gác bếp hòa lẫn vị bùi của rau gai đã làm nên một món ẩm thực thật hấp dẫn.
Rau ngũ gia bì hương xào lòng gà.
Ngọn rau gai thường được đồng bào vùng cao hái tươi ngoài nương đem về xào với tỏi, sang hơn có thể băm nhỏ xào với trứng gà hoặc với thịt ngựa. Giống như món lá đương quy xào thịt ngựa, loại rau gai được bà con trồng để ăn. Nhiều du khách đến Sa Pa hoặc Bắc Hà sau khi được thưởng thức món rau này rất thích thú bởi vị đăng đắng, ngọt ngọt và thơm hắc của rau tạo nên hương vị rất đặc biệt cho món ăn. Người dân miền xuôi khi biết món ăn này đã đặt mua, nhưng vì là rau xanh, lại gặp khó khăn khi vận chuyển đi xa nên ít người mua được.
Trao đổi với kỹ sư Lương Văn Hoàng, Viện Nghiên cứu Dược liệu Sa Pa (thuộc Bộ Y tế), anh cho biết: Cây ngũ gia bì hương là một loại thảo dược quý. Vỏ cây và ngọn non chứa saponin. Ngũ gia bì hương rất tốt cho sức khỏe, có họ với sâm. Ngọn non có thể làm rau ăn, chế biến thành các món đơn giản như nấu canh cá, xào thịt bò, còn lá già và cành già có thể đun nước uống.
Ngọn ngũ gia bì hương được nhiều du khách miền xuôi tìm mua.
Nhiều tài liệu nghiên cứu ghi chép rằng, cây ngũ gia bì hương là cây thuốc họ nhân sâm có trong danh mục các bài thuốc y học cổ truyền được sử dụng rộng rãi, thuộc dạng cây bụi, thân có gai. Cây có nhiều tác dụng như chống oxi hóa mạnh, chống lão hóa và mệt mỏi, làm thuốc bổ nâng cao sức khỏe, tăng cường trí nhớ, chữa các bệnh dạ dày, tê thấp. Một số hoạt chất trong ngũ gia bì hương còn có khả năng kháng tế bào ung thư, kháng virus.
Riêng với bà con vùng cao, đây là “thần dược”, ăn vào có giấc ngủ tốt hơn, chỉ đơn giản là chế biến thành một món rau xanh đổi bữa trong thực đơn hằng ngày cũng có tác dụng tốt cho sức khỏe. Một số hộ dân tộc thiểu số ở vùng cao Bắc Hà đã và đang trồng giống rau “nhân sâm” này trong vườn nhà bởi lợi ích “kép”, vừa làm rau xanh, vừa có thêm thu nhập khi khách du lịch đặt mua.
Kiều Lê (Báo Lào Cai)/ (Tiêu đề bài viết đã được thay đổi)
Xem thêm: Kỳ lạ món cháo “có độc” chỉ ăn buổi tối, vị đắng ngắt ở Hà Giang