Nộm hoa ban giòn, thơm giữa mắc khén tạo nên một hương vị vô cùng riêng biệt trong văn hóa ẩm thực ở Sơn La.
Hoa ban từ lâu nay đã trở thành một trong những sản vật vô cùng đặc trưng của con người nơi núi rừng Tây Bắc. Loài hoa nay cũng đã đi vào trong thơ ca, nhạc họa và gắn bó thân thiết với đời sống và tinh thần của đồng bào nơi đây. Có tất cả 2 loại hoa ban là hoa ban tím và hoa ban trắng. Trong đó, loại hoa ban trắng chiếm tỉ lệ cao hơn hẳn. Cứ vào mỗi độ đầu tháng hai Âm lịch, hoa ban sẽ bắt đầu lấp ló xuất hiện, và sẽ nở rộ khi vào bước vào tháng 3, sau đó sẽ lụi dần vào tháng 4.
Đối với người Tây Bắc, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc Thái, hoa ban không những là một sản vật nổi tiếng, biểu tượng cho cái đẹp, mà còn thể hiện được nét đẹp trong văn hóa ẩm thực ở nơi đây. Cứ vào mùa hoa ban rộ, người đồng bào Thái sẽ tranh thủ hái chút hoa về để chế biến món ăn. Những món ăn dân giã được biến tấu từ loại hoa ban rất nhiều, nhưng chắc chắn không thể không kể đến món nộm hoa ban – món ăn nổi tiếng bậc nhất từ hoa ban.
Món ăn này có cách chế biến cũng khá cầu kỳ. Và điều quan trọng nhất là phải có đầy đủ các nguyên liệu. Bên cạnh hoa ban, để làm nộm hoa ban còn cần thêm măng đắng và một số loại rau khác như rau cải, rau su su, rau bí và các gia vị như tỏi, ớt, riềng, muối, đặc biệt là mắc khén…
Trước hết, hoa ban sẽ được hái ở trên rừng về rửa đem rửa sạch lại cùng với nước và luộc chín. Tuy nhiên cách luộc hoa ban cũng cần có lưu ý riêng, đó là khi luộc phải để lửa to, nước sôi sùng sục, khi luộc phải mở nắp. Khi hoa ban vừa chín phải vớt ra ngay, tránh để bị nhũn sẽ làm mất độ giòn của nộm. Các loại măng hay rau khác cách thức luộc cũng như vậy.
Sau khi luộc các nguyên liệu chín tới, chỉ cần thêm các gia giảm để chừng 15 phút cho ngấm đều gia vị là có thể bưng ra đĩa và thưởng thức được rồi. Không giống với món nộm chua chua, ngọt ngọt của người dân miền xuôi khi chế biến món nộm hoa ban có vị mặn chủ đạo, nhưng vị mặn vừa vặn chứ không phải mặn chát nơi cuống họng. Đây cũng được coi là nét riêng biệt, độc đáo và là một trong những nét đẹp của văn hóa ẩm thực nơi đây. Họ muốn tối giản gia vị và giữ nguyên hương vị nguyên bản của các loại nguyên liệu trong quá trình chế biến và thưởng thức món ăn.
Khi thưởng thức món nộm hoa ban, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được sự hòa quyện vô cùng ăn ý giữa các hương vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng, bùi, rất kích thích vị giác. Vị thơm đặc trưng từ riêng, vị cay tê của hạt mắc khén, vị bùi của hoa ban, giòn của măng, thanh của các loại rau tất cả đã tạo nên một món ăn gây thương nhớ cho không chỉ người đồng bào dân tộc Thái, mà còn cả những thực khách lần đầu được thưởng thức.
Mùa hoa ban trắng nở rộ, du khách không chỉ có cơ hội được ngắm nhìn cảnh sắc đẹp tới nao lòng khi đặt chân đến Tây Bắc, mà còn được thưởng thức hương vị hấp dẫn đến khó quên mà món nộm hoa ban mang lại.
Hà My/2Đẹp.vn
Xem thêm: Đến Xuân Sơn thưởng thức món vịt lam