Mảnh đất Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh không chỉ nổi tiếng với chè xanh, thịt dê, nước khoáng Sơn Kim,… mà còn có cả loại bánh ngon, đượm tình quê như bánh đúc đỏ.
Hương Sơn là một huyện trung du miền núi, nằm về phía tây bắc của tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Tuy điều kiện ở đây vô cùng khắc nghiệt, gió Lào bỏng rát, mưa lũ thường xuyên song người dân vẫn lạc quan và chăm chỉ.
Miền trung du này vẫn còn là địa danh ít người biết đến, hoặc nghe qua chỉ khi nhắc đến nước chè xanh, thịt dê, nhung hươu hay nước khoáng Sơn Kim. Thế nhưng, khi đến đây, bạn còn được thưởng thức một loại bánh dân dã nhưng ăn một lần thì nhớ mãi. Đó chính là bánh đúc đỏ.
Khác với những kiểu bánh đúc ở miền quê khác, bánh đúc đỏ ở Hương Sơn được làm từ gạo lứt và gạo trắng theo tỷ lệ 1:1 nên có màu đỏ. Cách làm bánh khá đơn giản với vài công đoạn: Ngâm gạo, xay và đồ bánh rồi đổ ra mẹt. Bột được xay càng mịn, thì bánh càng ngon. Khi nấu, phải túc trực ngay bên nồi bánh, đều tay quấy liên tục để bột dẻo, quánh, mịn, bánh không bị sần. Và quan trọng không kém là khâu giữ lửa để bánh vừa độ ngon.
Nguồn ảnh: Dân Hương Sơn
Bánh đúc được ăn bằng nhiều cách. Dân dã thì chấm với nước mắm hoặc mắm tôm, cầu kỳ thì nấu xáo tim cật, xáo bò, xáo dê, xáo hến ăn kèm. Đặc biệt, người vùng hạ Hương Sơn còn ăn bánh đúc kèm với bánh đỗ xanh, làm nên câu ca nổi tiếng: “Bánh đúc, bánh độ (đỗ) ai chộ cũng sèm (thèm)”. Cách ăn nào cũng dậy lên hương thơm ruộng đồng, quê kiểng, cũng khiến người ăn lưu luyến.
Ngày nay, hai bên sông Ngàn Phố đoạn chảy qua chợ chợ Gôi và chợ Choi còn có khá nhiều người làm bánh đúc đỏ. Dẫu nghề này không mang lại lợi nhuận cao nhưng lại cho thu nhập đều đặn. Và cũng giống như những làng nghề khác, nhiều gia đình ở Sơn Hà, Sơn Thịnh, Sơn Hòa vẫn kiên định với nghề truyền thống không phải vì kinh tế. Họ làm bánh và mang đi chợ bán như một thói quen truyền đời của gia đình. Với nhiều bà, nhiều mẹ, đó cũng là cách để họ gắn bó với những ngôi chợ truyền thống của quê hương.
Xem thêm: Đắm say vị ngọt mùa hồng giòn ở thành phố sương mù